Mẹo chọn mua & bảo quản đồ sứ
Chọn mua
- Quan sát cảm quan bên ngoài, hình dạng tròn đều, kiểm tra bằng cách úp chén đĩa vào nhau hay úp lên mặt phẳng, nếu vừa khít, không bị lệch là chất lượng tốt. Ngoài ra cần xem kỹ lớp men. Men tốt là men trong suốt, phẳng mịn, bóng, sờ vào hoa văn có cảm giác trơn láng, không cộm tay, không trầy xước hay rạn nứt.
- Dùng ngón tay gõ nhẹ vào đồ sứ, nếu phát ra tiếng trong và ngân vang là đồ sứ tốt, tiếng kêu đục và nặng là không đạt chất lượng.
- Chén, đĩa, tô có màu sắc và hoa văn càng sặc sỡ thì càng có nguy cơ nhiễm độc cao do hàm lượng chì cao. Đồ sứ tráng men màu trong lòng cũng kém an toàn hơn sứ trắng. Kiểm tra bằng cách ngâm đồ sứ vào giấm, nếu nước giấm đổi màu là sản phẩm không an toàn. Vì vậy, nên chọn mua đồ sứ có hoa văn càng ít càng tốt hoặc chỉ chọn đồ sứ màu trắng.
- Chọn mua sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, không mua đồ trôi nổi với giá rẻ, có thể hại cho sức khỏe.
Vệ sinh và bảo quản đồ gia dụng sứ
- Sau khi mua về, ngâm đồ sứ trong nước vo gạo khoảng bốn-tám giờ, sau đó cho vào nồi nước muối, nấu sôi khoảng 10 phút để sứ giãn nở đều. Cách này giúp bảo quản đồ sứ lâu bền và tránh bị nứt vỡ khi chứa thực phẩm nóng.
- Sau khi sử dụng, nên lau khô đem cất. Bọc giấy báo bên ngoài và lót mảnh bìa carton hoặc giấy báo giữa các đồ vật là cách tránh trầy xước, va chạm. Không bảo quản đồ sứ ở nơi có nhiệt độ cao.
- Rửa sạch đồ sứ bằng cách hòa nước ấm với nước rửa chén có tính tẩy rửa nhẹ, cho đồ sứ vào rồi dùng bàn chải mềm chà sạch vết bẩn, lau khô bằng khăn sạch mềm trước khi cất. Không sử dụng nước tẩy javel và các dung dịch có tính axít cao như giấm, chanh để rửa trực tiếp trên đồ sứ vì dễ bị trầy xước, làm mờ hoa văn và làm xuống màu.
- Không cọ rửa đồ sứ với cát, dụng cụ rửa chén bằng kim loại hoặc nhựa cứng vì làm hoa văn, nhũ kim dễ bong tróc.
"Làm mới” đồ sứ gia dụng
- Sau một thời gian sử dụng, lớp men trên đồ sứ gia dụng thường xỉn màu. Có thể khôi phục lớp men sáng bóng bằng cách dùng men làm bánh mì pha với nước, lau đều lên bề mặt đồ sứ, để yên một lát rồi lau lại bằng khăn mềm. Cũng có thể vò nát vỏ trứng cho vào đồ dùng cần làm sạch cùng với giấm hoặc chanh. Ngâm qua đêm để vỏ trứng tan hết, sau đó rửa lại bằng nước ấm.
- Trường hợp đồ sứ bị ố vàng, cách đơn giản nhất là ngâm vào nước vo gạo chừng bốn-năm giờ, sau đó rửa sạch với nước rửa thông thường, đồ sứ sẽ trắng sạch như ban đầu. Nếu vết ố bên trong bình, lọ khó cọ rửa, đem pha nước chanh đổ vào bình cùng với nước sôi ngâm qua đêm, sáng hôm sau súc sạch lại. Ngoài ra, có thể hòa muối và giấm theo tỷ lệ 1:1 rồi đun nóng cho tan hết muối. Thấm ướt khăn phủ lên vết bẩn một lát, sau đó dùng khăn hơi thô thấm nước giấm chùi mạnh, vết bẩn sẽ biến mất.
- Cũng có thể làm sạch vết ố "cứng đầu” bằng cách hòa nước oxy già với nước, dùng khăn mềm thấm hỗn hợp nước đã pha để lau sạch vết bẩn rồi rửa sạch lại với nước ấm.